Vì sao “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ là hình thức?

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ nhóm họp trong 2 ngày 23 và 24/1. Đây là cuộc họp đầu tiên của Trung ương Đảng trong năm 2025, với nội dung theo dự kiến bao gồm vấn đề tinh gọn bộ máy, và chủ đề công tác nhân sự.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng là một trong những chủ trương lớn của Đảng, với mục tiêu nhằm cải cách hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Theo giới quan sát, đây là một chủ trương đã được đẩy mạnh trở lại vào tháng 11/2024, sau khi kế hoạch đưa đất nước vào “kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm vấp phải cái gọi là “điểm nghẽn”.

Cụ thể, vào ngày 19/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18. Ông Tô Lâm đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.

Với mục tiêu nhằm xây dựng một hệ thống chính trị “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”, đồng thời, loại bỏ tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước.

Cho đến nay, theo báo cáo, nhiều địa phương và bộ ngành đã thực hiện sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, giảm số lượng đầu mối và tầng nấc trung gian.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều ý kiến cho rằng, cuộc cách mạng này mới chỉ dừng lại ở việc cắt giảm số lượng tổ chức, nhưng chưa thực sự thay đổi số lượng nhân sự với tỷ lệ giảm theo kế hoạch dự kiến. Một số cán bộ, đảng viên đã tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi với số lượng chưa đáng kể.

Đồng thời, việc tinh gọn bộ máy chưa đi đôi với cải cách thể chế, và nâng cao năng lực quản trị, dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao.

Cho đến thời điểm hiện nay việc sáp nhập, xóa bỏ nhiều bộ, ban, ngành, những cơ quan hoạt động không hiệu quả, vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

Theo giới phân tích quốc tế, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là một nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên, vì thiếu minh bạch trong công tác tổ chức, nên chưa thực sự đột phá trong việc giảm thiểu số lượng nhân sự trong bộ máy.

Việc tinh gọn bộ máy mới chỉ dừng lại ở việc sắp xếp lại số lượng các tổ chức, mà chưa giải quyết triệt để vấn đề lãng phí và thiếu hiệu quả trong quản lý, đồng thời, cũng tồn tại các nguyên nhân, và những hạn chế đã dẫn đến công cuộc tinh gọn bộ máy thiếu hiệu quả.

Theo đó, việc tinh gọn bộ máy hành chính đã bị cản trở bởi lợi ích nhóm, do đụng chạm đến lợi ích của nhiều cá nhân và các tổ chức, dẫn đến sự phản ứng và cản trở từ một bộ phận lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành.

Cũng như việc, Ban chỉ đạo cấp Trung ương do thiếu lộ trình tổng thể, đã dẫn đến tình trạng “chắp vá” kém hiệu quả. Một số đông cán bộ vẫn giữ tư duy bảo thủ, chưa sẵn sàng thích ứng với yêu cầu đổi mới.

Có nhiều ý kiến nghi ngờ về việc ông Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, nhưng chưa thực sự làm gương trong cuộc cách mạng “tinh gọn bộ máy” này. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng, ông Tô Lâm đã lợi dụng việc “tinh gọn bộ máy” để loại bỏ các lãnh đạo đầu ngành là đối thủ chính trị.

Việc cải cách tinh gọn bộ máy hành chính của nhà nước Việt Nam không thể tiến hành một các vội vã, và mang tính hình thức. Việc cần phải giảm số lượng nhân sự dư thừa quá lớn mới là mục tiêu lớn nhất, để khắc phục tình trạng bộ máy cồng kềnh. Đây là nguồn cơn của việc 70% thu ngân sách phải sử dụng để duy trì nó.

Dục tốc sẽ bất đạt, nếu không thì cuộc cách mạng “tinh gọn bộ máy” cũng chỉ hoàn toàn mang tính hình thức, và “bắt cóc bỏ đĩa” mà thôi.

 

Trà My – Thoibao.de