Những vướng mắc trong việc bỏ công an cấp huyện và các giải pháp cần thiết?

Tại Hội nghị Trung ương ngày 23/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết về phương án không tổ chức công an cấp quận, huyện trong hệ thống công an. Đây là chủ trương nhằm thực hiện kế hoạch tinh gọn bộ máy, theo yêu cầu của Nghị quyết số 18 năm 2017 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Được biết, hiện nay, hệ thống tổ chức của ngành công an bao gồm 4 cấp: Bộ Công an, công an cấp tỉnh, công an cấp huyện, và công an cấp xã. Như vậy, theo cơ cấu mới, công an các tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo đến cấp xã và bỏ qua cấp huyện – cấp trung gian.

Đây được coi là quyết định cuối cùng gây tranh cãi về việc tinh gọn bộ máy của ngành công an. Ngày 7/1, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã công bố đề xuất về việc “bỏ công an cấp huyện”. Nhưng ngay sau đó, thông tin vừa kể lập tức đã bị gỡ bỏ khỏi hệ thống truyền thông nhà nước.

Khoảng trung tuần tháng 12/2024, báo Thanh Niên cho biết, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương Trần Văn Chính khẳng định rằng “chưa có chủ trương” về việc bỏ công an cấp huyện. Mới nhất, Bộ Công an đã đưa ra thông báo sẽ hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với công an các tỉnh nhằm thực hiện chủ trương này.

Tuy nhiên, thông báo của Bộ Công an cũng không cho biết cụ thể về thời gian triển khai, cũng như số cán bộ, chiến sĩ dôi dư sau khi tiến hành “tinh gọn” sẽ được xử lý ra sao?

Việc tăng cường nguồn lực cho cấp xã sẽ giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề an ninh trật tự, các tội phạm nhỏ đến các mâu thuẫn xã hội. Điều này sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào công an cấp trên, đồng thời sẽ giúp công an cấp xã chủ động hơn trong công tác phòng ngừa và xử lý tình huống.

Theo Bộ Công an, điều này giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu thủ tục hành chính. Đặc biệt, sẽ tiết kiệm được chi ngân sách nhà nước, đồng thời tập trung nguồn lực vào các nhiệm vụ trọng yếu tại cấp xã.

Tuy nhiên, công an cấp xã thường thiếu nguồn lực và trình độ chuyên môn. Việc quản lý và điều phối hoạt động của công an cấp xã trên diện rộng có thể gặp khó khăn, đặc biệt khi thiếu sự hỗ trợ từ cấp huyện. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch, lạm quyền, tham nhũng, hoặc vi phạm quyền công dân tại đơn vị cơ sở.

Theo giới phân tích, việc tinh gọn bộ máy và tập trung nguồn lực vào cấp cơ sở là một bước đi cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý an ninh. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, một số ý kiến hoài nghi lo ngại rằng việc tập trung quyền lực vào cấp xã có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, hoặc thiếu minh bạch trong hoạt động của công an, đặc biệt khi thiếu cơ chế giám sát hiệu quả.

Truyền thông quốc tế nhìn nhận đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của nhà nước Việt Nam, nhưng cũng đưa ra cảnh báo về những thách thức tiềm ẩn, nếu không được triển khai một cách bài bản và minh bạch.

Theo đó, số liệu từ Bộ Nội vụ Việt Nam cho biết tỷ lệ nhân sự do Bộ Công an quản lý hiện nay là khoảng 9 người dân/ 1 công an. Đây là một con số được cho là rất cao so với nhiều quốc gia khác. Điều này cũng có thể dẫn đến  việc kiểm soát quá mức đối với dân chúng.

Để đảm bảo tính khả thi, và hiệu quả của chủ trương này, cần nâng cao chất lượng nhân sự, đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho công an cấp xã, đặc biệt là kỹ năng điều tra, xử lý tình huống, và trong giao tiếp với người dân.

Đồng thời, cần áp dụng chính sách luân chuyển cán bộ để tránh tình trạng “địa phương chủ nghĩa”. Cũng như cần xây dựng cơ chế giám sát độc lập và minh bạch, để đảm bảo hoạt động của công an cấp xã tuân thủ pháp luật và không lạm quyền.

 

Trà My – Thoibao.de